Chúng ta thường nghe thành ngữ “Sức khỏe là vàng”, có nghĩa rằng sức khỏe rất là quí báu, có sức khỏe nghĩa là giàu có. Tuy nhiên có người cho rằng sức khỏe là vàng chỉ đúng với những người đang khỏe, không có bệnh tật, còn người đang bệnh tật thì sức khỏe quí hơn cả vàng.

Riêng mỗi chúng ta ai cũng biết sức khỏe là vốn quí, nhưng thường chỉ khi bệnh tật, chỉ khi già yếu mới thật sự thấu hiểu, thật sự muốn gìn giữ.

Sức khỏe là gì? Có phải người không bệnh tật là người khỏe mạnh? Và khi nào mới cần chăm sóc sức khỏe?

Tổ chức Y tế thế giới nói về sức khỏe “Sức khoẻ là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ không có bệnh hay thương tật”.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu sức khoẻ gồm 3 mặt: sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ xã hội và sự quan tâm chăm sóc sức khỏe phải thực hiện suốt cả quá trình của một đời người từ khi còn là thai nhi, sinh ra, trưởng thành, và khi già.

Thứ nhất là sức khoẻ thể chất tốt (nghĩa là cơ thể khỏe, không bệnh, không tật). 

Người có thể chất tốt sẽ có sức lực tốt, nhanh nhẹn, dẻo dai, thích nghi với môi trường, có khả năng chống đỡ với yếu tố gây bệnh… Đó là sự thăng bằng của 4 hệ thống: tiếp xúc, vận động, nội tạng và điều khiển của cơ thể.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe thể chất phải được thực hiện thường xuyên liên tục từ khi còn trong bào thai như: phòng ngừa bệnh tật, phòng ngừa dị tật, phòng suy dinh dưỡng bào thai,… Từ tuổi nhà trẻ, mầm non, trẻ được tiêm chủng phòng bệnh lây nhiễm, được theo dõi cân đo… Bước vào tuổi cắp sách đến trường, mọi học sinh đều được quan tâm chăm sóc răng miệng, dáng ngồi tránh vẹo cột sống, tránh tật khúc xạ mắt, tránh béo phì, tránh suy dinh dưỡng,… tiếp nối, chúng ta cần quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe tuổi già,…

Tuy rằng có một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sức khỏe như dân số, công nghiệp hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, an toàn vệ sinh thực phẩm, lối sống, an toàn giao thông, an toàn lao động,… nhưng mỗi người tự quan tâm chăm sóc sức khỏe mình là điều quyết định nhất.

Tập luyện thể dục thể thao nhằm phát triển và duy trì sức khỏe thể chất và sức khỏe toàn diện. Luyện tập thể dục có thể  là tập luyện về cơ bắp, nhằm chăm sóc chức năng vận động của  và các khớp như đi bộ và chạy, bóng chuyền, đá bóng,.. Tuổi trẻ mà không thể dục thì chiều cao sẽ không phát triển tối ưu được. Thể dục có thể là tập luyện về khí huyết, tinh thần, chẳng hạn như việc hô hấp, hít thở, nhằm chăm sóc chức năng vận động khí huyết, thư giãn và tập trung tinh thần như: khí công, yoga,… nhằm làm tăng khả năng tập trung, rèn luyện trí nhớ.

Chế độ Dinh dưỡng cũng quan trọng tương đương với việc tập luyện thể dục. Dinh dưỡng là sự cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể thông qua các thực phẩm ăn uống. Dinh dưỡng cân đối để không suy dinh dưỡng, cũng không béo phì, và cần tránh thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia, cẩn thận trong tai nạn nghề nghiệp, cẩn trọng khi giao thông,…

Sự mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng có thể dẫn tới các bệnh như: bệnh về da, mắt, tim mạch, sỏi thận, suy dinh dưỡng, béo phìloãng xương, cũng như nhiều vấn đề liên quan tới tâm lý và hành vi.

Bên cạnh dinh dưỡng tốt thì vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng. Vì vậy, mỗi chúng ta luôn ghi nhớ và thực hành những lời khuyên để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cấp tính cũng như mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau cùng, việc giữ vệ sinh cá nhân tốt, giữ nơi ở sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng là yếu tốt song hành cần thực hiện.

Thứ hai là sức khoẻ tinh thần tốt.

Sức khoẻ tinh thần thể hiện ở sự giao tiếp hàng ngày, thể hiện ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh, biết vượt lên chính mình, không kêu ca khi gặp khó, không chán nản khi thất bại, điềm tĩnh khi thành công,…

Cơ sở của sức khoẻ tinh thần là sự thăng bằng giữa lý trí và tình cảm trong giới hạn văn minh, đạo đức, trong nhẫn nhường nhưng không thấy gò ép.

Chúng ta phải làm gì để giữ sức khỏe tinh thần tốt? Quan tâm từ lúc nào? Có lẽ sức khỏe tinh thần cần được quan tâm từ khi còn rất nhỏ.

Môi trường đầy ắp yêu thương, chân thật, tôn trọng, công bằng, thẳng thắng, đúng sai rõ ràng, biết quan tâm lẫn nhau,… sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần rất nhiều.

Thứ ba là sức khỏe xã hội.

Sức khoẻ xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ  gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan. Một người có sức khỏe xã hội tốt nghĩa là họ được chấp nhận và tán thành của xã hội. Thí dụ như những người có hành vi là tệ nạn của xã hội thì họ không có sức khỏe xã hội tốt.

Do vậy, khi mỗi chúng ta biết sống hoà nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến càng có sức khoẻ xã hội tốt. Như Bác Hồ nói, biết sống mình vì mọi người thì mọi người vì mình… đó là niềm vui, đó là sức khỏe xã hội.

Tóm lại, mỗi chúng ta hãy luôn quan tâm sức khỏe bản thân mình và người thân trong gia đình mình, bạn bè, người hàng xóm chung quanh mình, cùng chăm sóc cho nhau sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe xã hội, vì SỨC KHỎE là vốn quí nhất./.

 PHƯƠNG TRANG

TTYT huyện Gò Công Tây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *