Ngày Bệnh Phong thế giới được tổ chức vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Giêng. Năm 2024, Ngày thế giới Bệnh Phong là ngày 28 tháng 1. Ngày này là dịp để tổ chức các hoạt động nhằm hướng đến những người đã từng mắc bệnh phong, nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này và kêu gọi sự chấm dứt sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến bệnh phong.

Chủ đề “Chấm dứt kỳ thị, nâng cao phẩm giá” là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự cần thiết phải giải quyết các khía cạnh xã hội và tâm lý của bệnh phong, bên cạnh những nỗ lực y tế nhằm thanh toán căn bệnh này. Hướng tới một thế giới nơi bệnh phong không còn là nguồn gốc của sự kỳ thị mà là cơ hội để thể hiện lòng trắc ẩn và sự tôn trọng đối với mọi cá nhân. Chủ đề này gói gọn các mục tiêu kép: xóa bỏ sự kỳ thị liên quan đến bệnh phong và đề cao nhân phẩm của những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

Trước đây bệnh Phong là một trong những bệnh lây truyền có lịch sử lâu đời nhất và gây ra nhiều thành kiến nhất trong xã hội. Từ ngàn đời nay bệnh phong được biết đến là một trong tứ chứng nan y “phong, lao, cổ, lại” với những di chứng tàn tật gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Trải qua nhiều thập kỷ không được điều trị, bệnh phong lan tràn khắp thế giới với những hình ảnh đáng thương của người bệnh phong và gia đình họ. Mãi đến năm 1873, nhà bác học Armauer Hansen mới tìm được căn nguyên gây bệnh Phong. Đó là trực khuẩn phong có tên khoa học là Mycobacterium leprae, kể từ đây với sự tiến bộ của y học, nhờ áp dụng phương pháp Đa hóa trị liệu mà tỷ lệ lưu hành giảm đáng kể và nhiều bệnh nhân phong đã được chữa trị kịp thời, tránh được tàn tật.

   Lấy khuôn bàn chân đóng giày cho bệnh nhân phong

Tại Việt Nam chương trình chống Phong đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 1995 với sự đầu tư của Chính phủ và sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều tổ chức chống Phong quốc tế: Liên đoàn các Hiệp hội chống bệnh Phong quốc tế (ILEP); Hiệp hội bệnh Phong quốc tế (ILA); Handicap International; Hiệp hội Cứu trợ bệnh Phong Hà Lan (The Nerthelands Leprosy Relief (NLR). và các tổ chức đại diện cho những người đã từng hoặc bị ảnh hưởng bởi bệnh Phong. Năm 2000 Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh Phong của Tổ chức Y tế thế giới.

Năm 2007, Tiền Giang đã được công nhận loại trừ bệnh Phong cấp tỉnh theo Quyết định số 4729/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 23 tháng 11 năm 2007.


Năm 2023, Tiền Giang đã hoàn thành công tác loại trừ bệnh Phong cấp huyện theo Thông tư 17/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 6 năm 2013 của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh.

Chương trình Giáo dục nhóm – Hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc tàn tật do Hiệp hội chống Phong Hà Lan (NLR) tài trợ

Chương trình phòng, chống phong quốc gia và công tác phòng, chống bệnh Phong của tỉnh trong những năm qua đã đẩy lùi và dần xóa bỏ bệnh Phong, giúp cho người khuyết tật liên quan đến bệnh phong xóa đi mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng và nâng cao mức sống. Hàng năm người chịu ảnh hưởng bởi bệnh Phong được khám, phát hiện, điều trị và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, số bệnh nhân mới phát hiện vẫn còn nên chương trình phòng, chống Phong vẫn phải duy trì tới khi đạt mục tiêu thanh toán hoàn toàn.

Chia sẻ kinh nghiệm tự chăm sóc tàn tật

Hiện nay, tỷ lệ lưu hành bệnh Phong tại Tiền Giang đạt tỷ lệ dưới 0,2/10.000 dân, tuy nhiên chúng ta vẫn còn những bệnh nhân đã điều trị khỏi nhưng bị tàn tật cần phải được chăm sóc và phục hồi chức năng. Những người này không gọi là bệnh nhân phong mà gọi là người tàn tật do phong. Chính vì vậy công tác truyền thông y tế trong cộng đồng cần được hết sức chú trọng./.

Thanh Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *