
Tin tức trung tâm


Đào tạo - Bồi dưỡng
Hoạt động dịch vụ
Hoạt động Đảng - Đoàn Thể
NGÀY SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG THẾ GIỚI 20/3/2025: RĂNG MIỆNG TỐT - KHỎE TINH THẦN
Sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Sức khỏe răng miệng có tác động lớn đến sức khỏe mỗi cá nhân vì vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm sâu răng, bệnh về lợi và thậm chí là các bệnh lý toàn thân như tim mạch và tiểu đường.
Với mục đích nâng cao nhận thức về sức khỏe răng miệng, Liên đoàn Nha khoa thế giới (FDI) đã sáng lập Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới 20/3 và tổ chức hàng năm tại các quốc gia từ năm 2007. Hoạt động này nhằm khuyến khích từng cá nhân, gia đình, cộng đồng cũng như chính phủ nước sở tại góp phần vào việc giảm thiểu các căn bệnh do răng miệng gây nên. Sự kiện cũng là cơ hội để các bác sĩ răng hàm mặt, những người chịu trách nhiệm chuyên môn và cộng đồng cùng nhau giải quyết các thách thức về sức khỏe răng miệng và thúc đẩy chăm sóc phòng ngừa; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe răng miệng tốt trong suốt cuộc đời. Hưởng ứng ngày Sức khỏe răng miệng thế giới 20/3/2025, FDI đã gửi thư kêu gọi Hội Nha khoa các nước hưởng ứng và hành động để tăng cường sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng trên phạm vi toàn cầu với khẩu hiệu "Răng miệng tốt - Khỏe tinh thần".
Trong những năm qua, ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam đã nỗ lực đạt được thành công nhất định trong công tác khám chữa bệnh và trong công tác dự phòng bệnh răng miệng cho cộng đồng. Về công tác điều trị, ngành Răng Hàm Mặt đã làm chủ và thực hiện thường quy nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, áp dụng các vật liệu và trang thiết bị hiện đại. Về công tác phòng bệnh, chương trình Nha học đường là chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng duy nhất còn thực hiện. Ngoài ra, ngày Sức khỏe răng miệng thế giới đã được ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam hưởng ứng từ nhiều năm nay với nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm các lớp tập huấn, khám răng miễn phí, truyền thông giáo dục và các sự kiện cộng đồng nhằm thúc đẩy thói quen chăm sóc răng miệng tốt hơn và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc răng miệng cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, hướng tới sự hài lòng của người dân cũng như xóa bỏ sự bất công bằng về sức khỏe răng miệng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành Răng Hàm Mặt vẫn cần phải khắc phục những mặt còn hạn chế như: trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bác sỹ chưa đồng đều; sự kết nối hệ thống công lập và ngoài công lập của các cơ sở y tế trong chăm sóc sức khỏe răng miệng; người dân ở các vùng nông thôn, miền núi không được chăm sóc hay khó được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe răng miệng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo... Theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc lần thứ 3 công bố năm 2019, có 86,4% trẻ em từ 6 đến 8 tuổi sâu răng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe toàn thân, dẫn đến những vấn đề sức khỏe như: viêm tủy răng, viêm mô tế bào, viêm xoang hàm… Sâu răng còn là nguyên nhân của các bệnh nội khoa khác như: viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, viêm khớp và các bệnh đường tiêu hóa… Vì vậy, dự phòng sâu răng cho trẻ em là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách và cần được quan tâm đúng mức. Và Đề án "Nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh Răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030" của Bộ Y tế là nhiệm vụ hết sức cần thiết, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành Y tế, Giáo dục, các ban ngành mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần mang lại sức khỏe răng miệng tốt hơn cho thế hệ tương lai.
Tại tỉnh Tiền Giang, thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 12/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai đề án "Nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh Răng miệng cộng đồng giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dự kiến triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: kiện toàn phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe răng miệng trên địa bàn tỉnh; phối hợp thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc và phát hiện sớm các bệnh lý răng hàm mặt, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và các kênh cung cấp thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe răng miệng; duy trì, phát triển các nội dung của Chương trình Nha học đường, tăng cường các hoạt động ngoại khóa liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em; xây dựng và phát triển chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi… Cụ thể trong năm 2025 thực hiện in và phát các áp phích truyền thông với nội dung về phòng ngừa bệnh răng miệng đến hơn 500 trường học; thực hiện khám và trám bít hố rãnh răng dự phòng sâu răng cho 1.500 học sinh tiểu học; thực hiện truyền thông hướng dẫn các nội dung chăm sóc dự phòng và phát hiện sớm các bệnh răng miệng tại 15 trường tiểu học; tổ chức và thực hiện điều trị nha khoa lưu động mô hình Trường - Trạm thí điểm tại một số điểm trường, từ đó nhân rộng phát huy mô hình này đến tất cả các trường bọc; tổ chức tập huấn công tác chăm sóc răng miệng cộng đồng cho khoảng 180 cán bộ y tế tại các trường tiểu học.
Xe tuyên truyền lưu động hưởng ứng ngày Sức khoẻ răng miệng thế giới 20/3 tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh
Hưởng ứng ngày Sức khỏe răng miệng thế giới 20/3/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức nhiều hoạt động như: kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trường học và vệ sinh môi trường tại 38 trường trung học trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền lưu động trên các trục lộ chính, khu vực tập trung đông người... Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý răng miệng.
Chủ động đưa trẻ khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý răng miệng ở trẻ.
Thùy Dương
Thông báo mới
Liên kết
Bản đồ
Thống kê truy cập website
  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 223
  Tổng lượt truy cập: 308204