
Nội dung bài viết
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh cúm mùa; trong đó có 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng; gây ra 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, số ca mắc cúm mùa được ghi nhận quanh năm với khoảng 600.000 đến 1.000.000 trường hợp.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút cúm gây ra. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi-rút cúm qua ho, hắt hơi. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim bẩm sinh, hen, bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn, suy thận mãn…)
Các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp về biến chứng của bệnh cúm mùa
* Đối với trẻ em: các biến chứng của bệnh cúm mùa thường khởi phát triệu chứng nhanh chóng với các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp như:
- Khó thở hoặc thở nhanh;
- Mặt hoặc môi hơi xanh;
- Tức ngực, đau cơ dữ dội (trẻ không chịu đi);
- Mất nước (không tiểu trong 8 giờ đồng hồ, khô ráp miệng, không có nước mắt khi khóc);
- Không tỉnh táo hoặc không tương tác khi tỉnh táo;
- Sốt cao trên 40 độ C, co giật;
- Tình trạng sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó đột ngột trở lại và trở nên trầm trọng hơn…
* Đối với người trưởng thành: các biến chứng của bệnh cúm thường phát khởi triệu chứng chậm hơn với các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp như:
- Khó thở hoặc thở nhanh;
- Đau ngực, có cảm giác ngực hoặc bụng bị đè nén bởi một áp lực lớn;
- Chóng mặt dai dẳng, suy giảm nhận thức thần kinh và trí nhớ, phản ứng với các yếu tố tác động bên ngoài kém;
- Co giật;
- Không đi tiểu trong nhiều giờ;
- Đau cơ nghiêm trọng;
- Cơ thể yếu ớt, không có sức lực cầm nắm hoặc đứng không vững;
- Tình trạng sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó đột ngột trở lại và trở nên trầm trọng hơn…
Khuyến cáo phòng ngừa bệnh cúm mùa
Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm được khuyến cáo là cách hữu hiệu nhất giúp sớm chủ động phòng bệnh, là biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí. Các nghiên cứu cho thấy, những người đã tiêm vắc-xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Đối với nhóm nguy cơ mắc cúm cao thì việc tiêm vắc-xin đặc biệt quan trọng. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vắc-xin giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm phòng cúm cũng giúp phụ nữ mang thai giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm. WHO khuyến cáo nên tiêm phòng hàng năm cho phụ nữ mang thai, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính và nhân viên y tế.
Ngoài ra, để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
3. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
4. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời./.
Thùy Dương
Văn bản mới
Album trang chủ



Bản đồ
Thống kê truy cập website
  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 15
  Tổng lượt truy cập: 301501