Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh năm 2023 đánh dấu 40 năm thế giới tìm ra vi-rút HIV và Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm. Biết bao thăng trầm, cảm xúc bởi khủng hoảng do HIV gây ra đã tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước. HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu.

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy, từ 28,6% (năm 2004) xuống 12,1% (năm 2021) và phụ nữ bán dâm, từ 5,9% (năm 2002) xuống 2,5% (năm 2022). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ 3,95% (năm 2011) lên 5,1% (năm 2015) và 12,5% (năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi (chiếm 41,7%), đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện như: cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng; huy động nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS; nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Theo số liệu 10 tháng đầu năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 6.753 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện (4.688 người trong tỉnh; 2.065 người ngoài tỉnh); trong đó có 1.819 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.326 trường hợp tử vong do AIDS và các bệnh liên quan. Trong số những ca phát hiện mới giai đoạn 5 năm từ 2019 đến nay, hình thái lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất 97,5%, kế đến là qua đường máu (chủ yếu do tiêm chích ma túy chiếm 1,83%, do lây truyền HIV từ mẹ sang con 0,63%). Đa số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là nam giới, chiếm 75%.

Xét nghiệm tầm soát HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tại Tiền Giang, tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong số người nhiễm HIV được phát hiện tăng dần qua từng năm, từ 49,5% (năm 2020) lên 51% (năm 2021) và 57,3% trong năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 15,6% năm 2012 lên 31,7% năm 2020, 30,4% năm 2021 và trong 10 tháng đầu năm 2023 là 20%. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này từ năm 2018 đến 2023 cho thấy 95,2% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 79,5% tổng số ca HIV được phát hiện.

Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai có hiệu quả Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như: đối tượng nghiện chích ma túy tiếp cận với bơm kim tiêm đạt 82,2%, cấp bao cao su cho đối tượng phụ nữ bán dâm đạt 80,4%, MSM tiếp cận với bao cao su đạt 68%; toàn tỉnh có 220 bệnh nhân được điều trị Methadone, đạt 86,3%. Số mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV thực hiện trong 10 tháng năm 2023 là 23.173 mẫu, tăng gấp 4,6 lần so với chỉ tiêu 5.000 mẫu. Ngoài ra, tiến độ thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90 đều đạt, cụ thể như: tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình đạt được 93,1%; tỷ lệ người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV đạt được 98,8%; tỷ lệ người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện đạt 99,2%./.

Thanh Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *