
Thông báo
Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2025: “VẠCH TRẦN SỰ HẤP DẪN GIẢ TẠO”
Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2025:
"VẠCH TRẦN SỰ HẤP DẪN GIẢ TẠO"
Sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới đã và đang phải đối mặt. Thuốc lá, thuốc lá mới và các sản phẩm chứa nicotine rất có hại cho sức khỏe thậm chí gây tử vong cho cả người hút và người không hút nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, các sản phẩm này có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển não bộ. Mỗi năm trên toàn thế giới có hơn 8 triệu ca tử vong, trong đó khoảng 1,3 triệu ca tử vong là do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.
Tại Việt Nam, với hơn 15 triệu người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm. Trong đó 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng nghiêm trọng và ngày càng gia tăng về bệnh tật và tử vong sớm, cũng như chi phí y tế. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính là 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP), lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Với những nỗ lực của Bộ Y tế, các Bộ, ngành, các tỉnh thành phố và sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hơn 10 năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong nam giới trưởng thành tại Việt Nam giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới (41,1% vào năm 2021). Đối với thuốc lá điện tử, nếu như tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) năm 2015 là 0,2% thì năm 2020 đã tăng lên là 3,6%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Giá thuốc lá rẻ khiến người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em dễ dàng tiếp cận, dẫn đến nghiện sớm và gia tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong.
Vì vậy, "Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe" là quan điểm chỉ đạo trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/5/2023. Bên cạnh đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó có nội dung "cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng kể từ ngày 01/01/2025". Mặc dù các nhà sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn tuyên bố các sản phẩm này là ít hại và là giải pháp thay thế sản phẩm thuốc lá có hại cho những người nghiện mà không cai được, tuy nhiên thực tiễn cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn người chưa từng hút thuốc (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) thông qua hương vị, mẫu mã sản phẩm cùng với sự thay đội không ngừng các cách thức quảng bá gây hiểu lầm rằng thuốc lá mới không có hại để thu hút người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo" với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ, đồng thời kêu gọi các nước cùng chung tay thực hiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 năm 2025 vì một tương lai khỏe mạnh hơn. Trên toàn cầu ước tính có 37 triệu trẻ em trong độ tuổi 13-15 sử dụng thuốc lá. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đã cao hơn tỷ lệ sử dụng ở người trưởng thành. WHO nhấn mạnh không có bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào và không có mức độ tiếp xúc nào đối với thuốc lá được coi là an toàn cho sức khoẻ bao gồm cả thuốc lào, xì gà, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá tự cuốn, thuốc lá tẩu và các sản phẩm thuốc lá không khói. Việc các công ty thuốc lá khuyến khích người nghiện thuốc lá điếu chuyển sang các sản phẩm thuốc lá mới để giảm hại là không có cơ sở khoa học.
Thanh niên Việt Nam tuân thủ quy định cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thùy Dương
Văn bản mới
Liên kết
Thống kê truy cập website
  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 44
  Tổng lượt truy cập: 313675