TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do vi-rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Bệnh Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học… có nguy cơ rất cao lây lan dịch Sởi. Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin Sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95%, và tỷ lệ tiêm vắc-xin Sởi – Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều trẻ bị lỡ mũi tiêm, trong đó có vắc-xin Sởi và Rubella. Ngoài ra, việc gián đoạn cung ứng tạm thời các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) một số giai đoạn trong năm 2022-2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin bao gồm vắc-xin Sởi và Rubella. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc-xin trong những năm gần đây dẫn đến nguy cơ các bệnh phòng được bằng vắc-xin quay trở lại và tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới.

Hiện nay, bệnh Sởi đang có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đầu năm 2024 đến ngày 11/8/2024, theo báo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi, trong đó có 676 trường hợp xác định dương tính; so với cùng kỳ năm 2023 (246 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi/30 trường hợp xác định dương tính), số trường hợp sốt phát ban nghi Sởi cao hơn 6,9 lần, số trường hợp xác định dương tính cao hơn 22,5 lần.

Kết quả đánh giá nguy cơ Sởi tại 63 tỉnh thành theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 7 tỉnh có nguy cơ rất cao gồm Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang. Bên cạnh đó, 7 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao gồm Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau. Ngoài ra, còn có 9 tỉnh nguy cơ trung bình và 40 tỉnh nguy cơ thấp. Tại thời điểm hiện tại, số trường hợp Sởi đã tăng lên so với thời điểm tiến hành đánh giá nguy cơ. Ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân TP. HCM đã ra Quyết định số 3547/QĐ-UBND công bố dịch Sởi trên địa bàn TP. HCM.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch Sởi năm 2024; Công văn số 4847/BYT-DP ngày 19/8/2024 về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường; Công văn số 4992/BYT-DP ngày 23/8/2024 về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh Sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Sởi.

Trong năm 2024, từ ngày 31/5 đến ngày 31/8, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận 41 trường hợp bệnh Sởi có xét nghiệm khẳng định tại 10/11 địa phương (huyện Châu Thành: 12 ca, huyện Cái Bè: 04 ca, huyện Cai Lậy: 04 ca, thành phố Mỹ Tho: 06 ca, huyện Gò Công Đông: 04 ca, huyện Chợ Gạo: 02 ca, huyện Tân Phước: 02 ca, thị xã Cai Lậy: 04 ca, huyện Gò Công Tây: 02 ca, thành phố Gò Công: 01 ca). Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, đến ngày 31/7/2024, số trẻ dưới 1 tuổi đạt miễn dịch cơ bản trên địa bàn tỉnh là 13.587 trẻ, đạt 64,0% chỉ tiêu kế hoạch; số trẻ 18 tháng tuổi được tiêm nhắc vắc-xin Sởi – Rubella là 13.354 trẻ, đạt 64,2% chỉ tiêu kế hoạch.

Trước tình hình miễn dịch cộng đồng chưa đạt mức khuyến cáo tại một số địa phương và trong bối cảnh có nhiều sự giao lưu đi lại giữa các tỉnh, đặc biệt vị trí địa lý gần các tỉnh có số ca mắc Sởi cao như: TP. HCM, Long An, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bệnh như: Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình hình dịch bệnh Sởi trên địa bàn tỉnh; tăng cường lấy mẫu đối với các trường hợp sốt phát ban nghi Sởi; lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, theo dõi sát tình trạng sức khoẻ các đối tượng. Tăng cường sự trao đổi thông tin ca bệnh sớm giữa các đơn vị đối với trường hợp ca bệnh có yếu tố di chuyển, học tập, sinh hoạt ở các địa phương khác nhau. Lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc-xin trong Chương trình TCMR, dự trù vắc-xin, tổ chức tiêm chủng ngay trong đợt tiêm chủng thường xuyên hàng tháng; rà soát tỷ lệ tiêm chủng tại các nhà trẻ, trường học tiểu học, trung học trước năm học mới. Tổ chức tiêm vét vắc-xin Sởi cho trẻ trong độ tuổi TCMR (dưới 2 tuổi): mũi thứ nhất khi trẻ 09 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Đối với đối tượng ngoài TCMR nếu chưa được tiêm vắc-xin Sởi trước đó cần tiêm 01 mũi. Khuyến khích người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế và giáo viên các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học chủ động tiêm vắc-xin Sởi (nếu chưa được tiêm ngừa).

Nhằm chủ động phòng, chống bệnh Sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin Sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh Sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tiêm vắc-xin Sởi là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả./.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *