
Nội dung bài viết
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bệnh Sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do vi-rút Sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Mặc dù hầu hết mọi người đều phục hồi sau bệnh Sởi nhưng đôi khi bệnh Sởi cũng dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, do đó tuyệt đối không được chủ quan. Bên cạnh yếu tố do chưa tiêm phòng, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh nền nặng thì suy dinh dưỡng nặng và thiếu viatmin A cũng là nguy cơ bênh diễn biến nặng. Bên cạnh việc điều trị, chăm sóc sức khỏe thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ mắc bệnh Sởi.
Tăng cường hệ miễn dịch: Bệnh Sởi làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm, các vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin A, kẽm,… giúp củng cố hệ miễn dịch. Thực phẩm giàu đạm rất cần thiết cho quá trình lành vết thương, tăng cường sức đề kháng và phục hồi. Nên sử dụng thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, gia cầm, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, đậu, các loại hạt khi chế biến thức ăn cho trẻ. Khoáng chất kẽm đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và sự phát triển của tế bào, có thể bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng viêm và các tình trạng khác. Thực phẩm giàu kẽm nên dùng là lòng đỏ trứng, lươn, hàu, gan, thịt bò, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt,... Trẻ nhỏ tăng cường bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn, trẻ trên 6 tháng cần kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và cải thiện khả năng hấp thụ sắt. Lượng vitamin C không đủ sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi hoặc uể oải, suy yếu mô liên kết lan rộng và mao mạch dễ vỡ. Do đó cần tăng cường vitamin C trong rau xanh (bông cải xanh, mồng tơi, rau ngót, rau dền,…) và trái cây, nước ép trái cây (cam, quýt, bưởi, dâu tây, ổi chín, sơ ri,...)
Giảm nguy cơ biến chứng: Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, viêm loét giác mạc, thậm chí có nguy cơ tử vong. Chế độ ăn giàu vitamin A đã được chứng minh là có khả năng góp phần giảm mức độ nghiêm trọng của các biến chứng này, đặc biệt là ở trẻ em. Việc bổ sung vitamin A liều cao là một phần của việc chăm sóc hỗ trợ điều trị cho các trường hợp mắc bệnh sởi. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần chú ý các thực phẩm giàu vitamin A như lòng đỏ trứng, cá, thịt, gan, lươn, sữa… và các loại rau, củ, quả có nhiều beta-carotene (tiền vitamin A) như rau ngót, rau dền, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, đu đủ,... Vì vitamin A là vitamin tan trong chất béo nên trong khẩu phần ăn cũng cần có dầu hoặc mỡ để tăng cường hấp thu vitamin A.
Hỗ trợ phục hồi sức khỏe: Sởi thường đi kèm với các triệu chứng như sốt cao, biếng ăn, mệt mỏi. Việc cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa giúp duy trì thể trạng tốt, tránh tình trạng suy dinh dưỡng và mất nước. Chế độ ăn uống hợp lý cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Hãy duy trì chế độ ăn giàu vitamin A, C, kẽm, protein và các khoáng chất thiết yếu khác như đã khuyến nghị trong giai đoạn bệnh. Điều này giúp củng cố hệ miễn dịch đã bị suy yếu và tái tạo các tế bào bị tổn thương. Hệ tiêu hóa có thể vẫn còn nhạy cảm sau khi bị bệnh, nên chọn các món ăn mềm, lỏng, cắt nhỏ dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh hầm. Cần hạn chế các thực phẩm quá nhiều chất xơ, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và tuyệt đối không cho bé ăn các thức ăn lạ hoặc thức ăn đã từng bị dị ứng. Nấu thức ăn xong nên cho trẻ ăn ngay để tránh mất nhiều dưỡng chất, nhất là vitamin C. Hãy chia nhỏ bữa ăn trong ngày, 4 - 5 bữa thay vì 3 bữa chính lớn, điều này giúp hệ tiêu hóa của trẻ làm việc nhẹ nhàng hơn và tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Uống đủ nước, nước bù điện giải, nước hoa quả, nước rau củ… đặc biệt khi có sốt, tiêu chảy. Việc duy trì đủ nước rất quan trọng để giúp cơ thể đào thải độc tố và phục hồi chức năng các cơ quan.
Khi bị sởi, cơ thể cần nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn để phục hồi các tế bào bị tổn thương. Cần cung cấp đủ năng lượng cho từng thời kỳ của sởi, nên tăng cường năng lượng khi có sốt. Nên sử dụng các bữa ăn có đậm độ năng lượng cao, đặc biệt khi có chán ăn.
Việc tuân thủ các khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau khi mắc bệnh sởi. Quá trình phục hồi sau bệnh sởi cần thời gian. Hãy kiên nhẫn và theo dõi nhu cầu của trẻ để điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp./.
Kim Thanh
Văn bản mới
Album trang chủ



Bản đồ
Thống kê truy cập website
  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 164
  Tổng lượt truy cập: 315209